Thời gian nghỉ thai sản có được tính hưởng BHXH 1 lần?

Theo quy định hiện hành, lao động nữ mang thai và sinh con sẽ được nghỉ làm và hưởng chế độ thai sản trong 06 tháng. Vậy trong thời gian nghỉ thai sản có được tính để hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần không?

Nghỉ thai sản có được tính đóng BHXH để hưởng 1 lần không?

Căn cứ khoản 2 Điều 39 Luật BHXH năm 2014, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng BHXH, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH.

Đồng thời nội dung này cũng được hướng dẫn cụ thể tại khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH như sau:

Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, thời gian này vẫn được tính là thời gian tham gia BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN; phải đóng BHYT do cơ quan BHXH đóng.

Như vậy, thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ vẫn được tính là đóng BHXH.

Cùng với đó, theo khoản 2 Điều 60 Luật BHXH năm 2014, mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH.

Từ những căn cứ trên, có thể thấy, thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ cũng được tính để hưởng BHXH một lần.

Cách tính BHXH 1 lần khi có thời nghỉ thai sản

Như đã phân tích, người lao động nghỉ thai sản cũng được tính đóng BHXH để hưởng một lần. Tuy nhiên trong thời gian này, người sử dụng lao động và người lao động sẽ không phải đóng BHXH. Vậy mức lương đóng BHXH của người lao động trong giai đoạn này được xác định thế nào?

Khoản 4 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH đã nêu rõ:

4. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 2 Điều này, được ghi theo mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản người lao động được nâng lương thì được ghi theo mức tiền lương mới của người lao động từ thời điểm được nâng lương.

Theo đó, mức lương đóng BHXH của thời gian nghỉ thai sản chính là mức lương đóng BHXH của tháng trước khi nghỉ hưởng chế độ. Nếu trong thời gian này, người lao động được nâng lương thì ghi nhận mức lương mới từ thời điểm được nâng.

Ví dụ: Trước khi nghỉ thai sản, chị X đang đóng BHXH với mức lương là 08 triệu đồng/tháng thì khi nghỉ chế độ, chị X được tính đóng BHXH trong 06 tháng với mức 08 triệu đồng/tháng.

Sau khi xác định được mức lương đóng BHXH, người lao động có thể tự mình tính toán số tiền BHXH 01 lần mà mình được nhận theo công thức được quy định tại Điều 19 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:

Mức hưởng

=

(1,5 x Mbqtl x Thời gian đóng BHXH trước năm 2014)

+

(2 x Mbqtl x Thời gian đóng BHXH năm 2014 trở đi)

Trong đó:

– Thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì từ 01 – 06 tháng được tính là ½ năm, từ 07 – 11 tháng được tính là 01 năm.

Trường hợp tính đến trước 01/01/2014 nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng BHXH từ 01/01/2014 trở đi.

– Mbqtl là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH:

Mbqtl

=

(Số tháng đóng BHXH x Tiền lương tháng đóng BHXH x Mức điều chỉnh hàng năm)

:

Tổng số tháng đóng BHXH

Lưu ý:

Mức hưởng BHXH một lần của người lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ 01 năm được tính bằng 22% các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH. Mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Ví dụ:

Bà A có thời gian tham gia BHXH từ tháng 10/2017 đến tháng 12/2019 như sau:

Từ tháng 10/2017 – tháng 12/2017: Mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.

Từ tháng 01/2018 – tháng 3/2019: Mức lương 05 triệu đồng/tháng.

Từ tháng 4/2019 – tháng 9/2019: Nghỉ thai sản.

Tháng 10/2019 – tháng 12/2019: Mức lương 5,5 triệu đồng/tháng.

Tổng thời gian tham gia BHXH của bà A là 02 năm 03 tháng (làm tròn 2,5 năm).

Năm 2021, bà A làm thủ tục hưởng BHXH 01 lần thì sẽ được nhận:

Mức lương bình quân = {(3 tháng x 4,5 triệu đồng x 1,1) + (12 tháng x 05 triệu đồng x 1,06) + (3 tháng x 05 triệu đồng x 1,03) + (6 tháng x 05 triệu x 1,03) + (03 tháng x 5,5 triệu đồng x 1,03)} : 27 = 5.251.667 đồng

Mức hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần = 5.251.667 x 2.5 năm x 2 = 26.258.335 đồng.

 

(Theo Luật Việt Nam)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Nội dung
#
#
#
Đóng góp ý kiến
0914 833 097
#
Kinh doanh - 0814 88 64 88
CSKH - 0944 81 83 84
#