Luôn chủ động tương tác với khách hàng, doanh nghiệp sẽ dễ dàng nhận đánh giá tích cực, giúp củng cố hình ảnh thương hiệu và tăng doanh thu.
Đề cập tới phương pháp giúp một doanh nghiệp tăng trưởng đều đặn, luôn có vô số phương án marketing để lựa chọn. Tuy nhiên, lời phản hồi từ bản thân khách hàng dường như vẫn luôn là công cụ marketing mạnh mẽ và hiệu quả nhất.
Từ những lời đánh giá (review) trực tiếp cho đến các bài đánh giá trên Internet, việc thu thập lời phản hồi từ bản thân khách hàng sẽ dễ dàng thuyết phục người mua nhiều hơn so với bất kỳ thông tin marketing trả phí nào khác. Bởi lẽ, lời nói, nhận xét và đánh giá của khách hàng thực tế sẽ thể hiện quan điểm trung lập của bên thứ ba – những người không đầu tư vào doanh nghiệp.
Những đánh giá này sẽ là công cụ đắc lực để quyết định liệu khách hàng có chi trả cho sản phẩm của doanh nghiệp hay không. Nhiều phản hồi tích cực đồng nghĩa với nhiều cơ hội để tăng doanh thu. Và, dưới đây là 4 bí quyết giúp doanh nghiệp nhận nhiều phản hồi tích cực.
1. Mang lại trải nghiệm vượt ngoài mong đợi
Để khách hàng luôn nhớ và đề cập tới, thương hiệu cần thật sự nổi bật trên thị trường. Mang lại những trải nghiệm bất ngờ, vượt ngoài kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp tạo ấn tượng mạnh với người mua.
Thực tế, một trải nghiệm trung bình là đủ để duy trì thương hiệu, nhưng nó sẽ không đáng nhớ. Đối với khách hàng, các trải nghiệm vượt ngoài sức tưởng tượng (cả tốt và xấu) sẽ ghi khắc trong tâm trí họ và thường là điều thôi thúc họ để lại đánh giá trực tuyến.
Không thương hiệu nào muốn các bài đánh giá trực tuyến của mình tràn ngập những phản hồi tiêu cực. Đương nhiên, cách tốt nhất để tránh điều này là mang lại trải nghiệm vượt trên kỳ vọng của khách hàng. Khi doanh nghiệp thực sự làm hài lòng khách hàng của mình, khả năng nhận đánh giá tích cực cũng lớn hơn.
Mang lại những trải nghiệm bất ngờ, vượt ngoài kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp tạo ấn tượng mạnh với người mua. |
2. Tự động hóa yêu cầu đánh giá
Những người đã có trải nghiệm tốt thường ít khi để lại đánh giá tích cực cho thương hiệu. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp chủ động yêu cầu khách hàng đánh giá sản phẩm của họ sau khi sử dụng. Thực tế cho thấy, có tới 70% khách hàng sẵn sàng để lại đánh giá trực tuyến cho doanh nghiệp khi được hỏi.
Bằng cách tự động hóa yêu cầu đánh giá, doanh nghiệp có thể nhận nhiều đánh giá hơn mà không cần quá nỗ lực tiếp cận từng khách hàng thông qua các phương tiện khác. Sau bất kỳ lần tương tác nào với khách hàng, đừng quên yêu cầu họ đánh giá, cũng như lời cảm ơn và khuyến mãi tặng kèm nếu có.
3. Đa nền tảng
Không thể phủ nhận tầm quan trọng từ những đánh giá trên Google hay Facebook, nhưng đây không phải nơi duy nhất khách hàng có thể đến để tìm lời phản hồi về doanh nghiệp của bạn. Instagram, TikTok, YouTube, và các website đánh giá theo ngành nghề cụ thể.. đều là những nền tảng đáng tin cậy với lượng truy cập đáng kể mà doanh nghiệp không nên bỏ qua.
Việc xác nhận hồ sơ doanh nghiệp trên các website đánh giá có liên quan đem lại cho khán giả nhiều không gian hơn, giúp họ dễ dàng để lại phản hồi – một cách mới để khách hàng tiềm năng tìm đến sản phẩm của thương hiệu.
4. Luôn phản hồi các đánh giá
Doanh nghiệp sẽ có thể nhận nhiều đánh giá và phản hồi hơn nếu khách hàng biết họ thực sự được chú ý. Do đó, đừng bỏ qua bất cứ bài đánh giá nào.
Trên thực tế, cách làm này được Google khuyến khích mạnh mẽ như một cách để xây dựng lòng tin và tăng khả năng hiển thị với khách hàng tiềm năng. Trả lời các bài đánh giá giúp khách hàng biết rằng doanh nghiệp đã xem xét phản hồi của họ một cách nghiêm túc, từ đó họ sẽ để lại phản hồi chi tiết hơn, chất lượng hơn.
Phản hồi công khai đối với những đánh giá tiêu cực, kết hợp với một số dịch vụ khách hàng tư nhân có thể giúp cải thiện xếp hạng trực tuyến của thương hiệu. Nghiên cứu cho thấy, khi doanh nghiệp trực tiếp giải quyết các đánh giá tiêu cực, 33% khách hàng đã thay đổi đánh giá của họ thành đánh giá tích cực hơn. Trong khi đó, 34% chỉ đơn giản là xóa đánh giá tiêu cực.
Kết: Khách hàng sẽ tin tưởng các đánh giá trực tuyến như một lời giới thiệu từ bạn bè hay gia đình. Do đó, tạo phản hồi là một công cụ mạnh mẽ, không thể thiếu trong bộ công cụ marketing của doanh nghiệp. Đừng chờ đợi khách hàng để lại nhận xét! Hãy chủ động tương tác với khách hàng và doanh nghiệp sẽ nhận được những đánh giá giúp củng cố thương hiệu lẫn thúc đẩy doanh thu.
(Doanh nhân sài gòn)